8 dạng trí thông minh của học thuyết trí thông minh đa diên
8 dạng trí thông minh của học thuyết trí thông minh đa diên được giáo sư Howard Gardner đề cập đến là:
- Trí năng ngôn ngữ: Khả năng nắm bắt và tư duy bằng ngôn ngữ, khả năng diễn đạt bằng ngôn ngữ những vấn đề phức tạp. Các tác giả, nhà văn, nhà báo, diễn giả, người hành nghề quảng cáo… là những người thể hiện năng lực sử dụng ngôn ngữ ở một trình độ cao.
- Trí năng logic-toán: Khả năng tính toán, định lượng, phân tích các mệnh đề và các giả thuyết, khả năng thực hiện những thao tác toán học phức tạp. Các nhà khoa học, nhà quản trị tài chính, kỹ sư, lập trình viên đều đòi hỏi phải sở hữu một trí tuệ logic-toán đủ mạnh.
- Trí năng thể chất-vận động: Khả năng sử dụng khéo léo các đồ vật, khả năng thực hiện những hoạt động, khả năng thực hiện những động tác của cơ thể với một độ khéo léo và chính xác cao. Trong các xã hội Phương Tây trước đây, các kỹ năng thể chất không được xem là một khả năng nhận thức. Tuy nhiên, như Howard Gardner nhấn mạnh, kỹ năng thể chất, khả năng sử dụng các bộ phận cơ thể trong một số trường hợp là yếu tố sống còn và là tiêu chuẩn quan trọng của một số ngành nghề danh giá, có thể kể ra ở đây các trường hợp của các bác sĩ phẫu thuật, nghệ nhân, vận động viên và vũ công.
- Trí năng thị giác-không gian: Đó là khả năng tưởng tượng và tư duy trong các không gian ba chiều. Người nào có năng lực thị giác-không gian sẽ dễ dàng cảm nhận và tri giác được các hình ảnh bên ngoài và bên trong, có khả năng tái tạo, chuyển dịch và biến đổi những hình ảnh đã được tri giác đó. Các điêu khắc gia, họa sĩ, kiến trúc sư, phi công, thủy thủ là những người cần tới dạng năng lực này.
- Trí năng âm nhạc: Các cá nhân sở hữu dạng năng lực trí tuệ này sẽ có một độ nhạy cảm với âm điệu, giai điệu, tiết tấu và những vấn đề về âm thanh nói chung. Các nhà soạn nhạc, nhạc trưởng, nhà phê bình âm nhạc, nhà sản xuất nhạc cụ, các thính giả cao cấp và tinh tế đều là những người sở hữu năng lực dạng này.
- Trí năng tương tác xã hội: đó là năng lực thấu hiểu người khác và tương tác hiệu quả với họ. Khi nền văn minh Phương Tây bắt đầu phát hiện ra mối quan hệ “thể xác-tinh thần” cũng là lúc nó đề cao tầm quan trọng của tính hiệu quả trong quan hệ tương tác giữa các cá nhân. Dạng năng lực này thường xuất hiện ở những người thầy giỏi, các nhân viên xã hội, các nghệ sĩ và các chính trị gia.
- Trí năng nội tâm: Năng lực trí tuệ được xây dựng dựa trên khả năng tự thấu hiểu bản thân mình và biết cách sử dụng những hiểu biết đó để lên kế hoạch định hướng đúng đắn cho cuộc đời mình. Những cá nhân có được năng lực trí tuệ này thường đi sâu vào các lĩnh vực thần học, tâm lý học hay triết học.
- Trí năng thiên nhiên: là khả năng quan sát nhậy bén để phát hiện ra những quy luật xuất hiện trong môi trường tự nhiên, biết nhận dạng và phân loại các đối tượng, hiểu được các hệ thống tự nhiên và các hệ thống do con người tạo ra. Trong số những người có trí thông minh tự nhiên vượt trội, người ta thường gặp những nhà nông học, thực vật học, nhà nghiên cứu môi trường, thợ săn và nông dân.